Trong việc kết hôn, dù là người phụ nữ hay đàn ông, họ đều muốn tìm cho mình một người bạn đời mà họ yêu thương, phù hợp để xây dựng một gia đình hạnh phúc. Nhưng trên thực tế, chẳng mấy người xây dựng được tổ ấm hạnh phúc theo như sự suy nghĩ của mình. Bởi theo Phật dạy, tất cả mọi việc xảy ra trên cuộc đời này đều tùy thuộc luật nhân quả.
Sự hòa thuận trong gia đình là từ người phụ nữ
Nói về việc giữ hạnh phúc của một gia đình, đức Phật từng dạy sự an lạc và hòa thuận trong gia đình phần lớn là do người phụ nữ.
Điều này được thể hiện rõ trong các lời khuyên của Ngài mà người phụ nữ nên làm hay không nên làm.
– Không nuôi dưỡng tư tưởng tội lỗi đối với người chồng
– Không độc ác, thô bạo hay lấn áp
– Không hoang phí, phải cần kiệm và sống trong khả năng kinh tế của mình
– Giữ gìn tài sản và tiết kiệm tiền bạc do người chồng nhọc nhằn kiếm được
– Luôn luôn có ý tứ và đoan trang
– Chung thủy và không có tư tưởng ngoại tình
– Thận trọng trong lời nói và lễ độ trong hành động
– Tử tế, cần cù và siêng năng
– Quan tâm và thương chồng
– Phải nhũn nhặn và tỏ vẻ tôn kính
– Ðiềm tĩnh, dịu dàng và hiểu biết
– Không những phục vụ chồng như một người vợ mà là một người bạn, một người cố vấn lúc cần thiết.
Người chồng cần chung thủy và tôn trọng vợ
Ngoài những điều người vợ cần thì, đức Phật cũng dạy người chồng bao giờ cũng phải quý mến và tôn trọng người vợ. Người chồng cần phải chung thủy, cho vợ đủ quyền hành để lo việc nhà, sắm cho vợ đồ nữ trang ưa thích.
Người chồng phải chung thủy với người vợ có nghĩa là Phật dạy người chồng phải làm tròn bổn phận và trách nhiệm của mình đối với vợ để giữ gìn tín nhiệm cho đúng với tình nghĩa vợ chồng.
Người chồng thường phải đi kiếm tiền và lo toan cơm áo gạo tiền cho gia đình nên thường phải xa nhà, vì vậy người chồng phải giao việc nội trợ cho người vợ, người vợ được coi như người quản gia, quản lý tài sản như một nhà hành chánh – kinh tế của gia đình.
Với thời hiện đại ngày nay, cả 2 vợ chồng đều đi làm kiếm tiền, nhưng với các gia đình Việt Nam người vợ vẫn lo toan công việc gia đình. Chính vì thế, người chồng cần biết quan tâm và chia sẻ công việc với vợ mình.
Tặng các đồ nữ trang thích hợp cho người vợ tượng trưng tình yêu, sự chăm sóc và sự cảm kích của người chồng đối với vợ.
Việc tặng quà này cho thấy người chồng luôn coi trọng và thương yêu vợ của mình. Đây cũng là cách bày tỏ và hâm nóng tình cảm của mình với người chia sẻ cuộc sống gia đình.
Vợ chồng đến với nhau, chẳng những phải có duyên mà còn có nợ nữa. Có duyên mà không nợ thì gặp nhau cũng không thể chung sống. Có nợ mà không duyên thì cũng chẳng thể thành vợ chồng. Duyên nợ tác thành vợ chồng, hay nói đúng hơn là nghiệp lực đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hai người đến với nhau để trở thành vợ chồng.
Khi người vợ và người chồng làm được những điều này sẽ không còn sự nghi kỵ, ghen tuông hay nghi ngờ lẫn nhau. Vợ chồng biết bảo bọc nhau. Đó là điều đem lại hạnh phúc gia đình thật sự cho các cặp vợ chồng dù ở bất kỳ giai đoạn nào của lịch sử.
N (St)